Bỏ qua nội dung chính

Đặc Sản Đài Loan

Ngoài việc thưởng thức tất cả các loại đồ ăn vặt tại Đài Loan, bạn cũng không nên bỏ lỡ các món đặc sản của từng vùng. Những sản phẩm này thường đi kèm với dịch vụ đóng gói quà tặng, rất thuận tiện cho du khách muốn mang về làm quà tặng cho người thân và bạn bè.

Mặc dù Đài Loan khá nhỏ, nhưng cũng có rất nhiều sản phẩm độc đáo của riêng mình. Đó không chỉ là món quà ý nghĩa dành tặng bạn bè và người thân, mà còn là một phần đích thực của Đài Loan mà bạn có thể mang về nhà.

 

Bánh Dứa

Đài Loan là nơi trồng rất nhiều dứa và cũng nổi tiếng với dứa đóng hộp, đồ uống dứa và mứt dứa. Dứa cũng được chế biến thành bánh dứa, với vị ngọt và chua hòa lẫn với lớp bánh mềm và xốp bên ngoài, bánh dứa này có hương vị rất ngon; và đó thực sự là món ăn đáng để thưởng thức…và nhiều hơn nữa!

 

Mỳ Gạo  

Truyền thống kể rằng mì gạo đầu tiên đến Đài Loan qua Phúc Kiến ở Trung Quốc đại lục. Ngày nay, mì gạo Tân Trúc và mì gạo Fengkeng là hai loại lương thực nổi tiếng nhất. Tân Trúc có khí hậu tuyệt vời để làm mỳ gạo, bởi có nhiều ánh nắng mặt trời và gió để phơi mỳ. Mỳ được chế biến có độ co giãn tốt để không bị mềm khi đun. Ngành sản xuất mì gạo ở Làng Fengkeng thuộc Quận Châu Hóa có nguồn gốc từ hơn một thế kỷ trước. Những người bản địa Fengkeng cũng mang những kỹ thuật làm mỳ gạo của mình đến gần Phố Lý để giúp thị trấn này phát triển trở thành một địa điểm làm mỳ gạo nổi tiếng khác. 

Sự khác biệt chính giữa mỳ gạo của Tân Trúc và mỳ gạo Fengkeng là những bước sản xuất cuối. Mỳ Tân Trúc được hấp và sau đó được phơi khô để giữ được hương vị gạo ban đầu. Trong khi đó mỳ Fengkeng được luộc trước khi phơi khô để tăng độ dai. Mỗi loại lại có sức hấp dẫn riêng và đều có hương vị rất ngon.

 

Bánh Mochi 

Mochi (bánh gạo nếp) được gọi là "doushu" (bánh gạo đậu) vào thời kỳ đầu xã hội Đài Loan, nhưng sau đó được biết đến nhiều hơn với tên gọi "mochi" do ảnh hưởng của món tráng miệng Nhật Bản "wagashi" trong thời kỳ thuộc địa Nhật Bản. Đây là một trong những món ngon đại diện cho nền văn hóa thổ dân và Khách Gia Đài Loan. "Dulun" của bộ tộc Amis là cũng là một loại mochi có thành phần là ngô, khá dai nhưng không có nhân.

Mochi Khách Gia đã trở thành tâm điểm chú ý trong những năm gần đây, phần lớn là do Mochi của Tseng ở Hoa Liên. Ông Tseng chuyển từ miền tây Đài Loan đến Hoa Liên, ở đó ông đã mở một cửa hàng kinh doanh bánh mochi theo phong cách Khách Gia truyền thống. Mochi của Tseng được làm theo cách truyền thống, nghiền gạo nếp bằng tay, ép khô, và sau đó nhào bột liên tục thành một kết cấu mềm dày, dai nhưng không dính. Hương vị nhân đậm đà và thơm ngon khiến Mochi trở thành một loại bánh yêu thích của địa phương và đặc sản của Hoa Liên.

 

Trà   

Nổi tiếng là đế quốc trà, Đài Loan có địa hình và khí hậu rất thuận lợi để trồng cây trà. Ở Đài Loan có rất nhiều loại trà; trong số đó Trà Văn Sơn Bao Trung, Trà Ô Long Dongding, Trà Ô Long Pekoe (Ô Long Baihao) và Trà Thiết Quan Âm là bốn loại trà chính.

Bạn có thể chọn bất cứ loại ấm pha trà nào trong cửa hàng bách hóa hay trong các cửa hàng trà. Nếu bạn muốn mua một loại ấm pha trà bằng gốm sứ, bạn nên đi tới Trấn Oanh Ca, thủ đô gốm sứ của Đài Loan. Đường Jianshanpu Oanh Ca là một con đường mới được thiết kế dành riêng cho người đi bộ, và tất cả các khu vực mua sắm nơi đây đều bán rất nhiều loại sản phẩm gốm sứ. Đây là nơi lý tưởng nhất Đài Loan để mua ấm trà và thăm thú.

Các cửa hàng bách hóa chính và siêu thị cũng có những gian hàng chuyên bán trà, điều này khiến thức uống dân tộc này luôn sẵn sàng ở mọi nơi. Bên cạnh đó, còn có loại trà túi, một phương thức đơn giản tiện lợi để thưởng thức một tách trà.

 

Đậu Phộng Giòn

Nơi có đậu phộng giòn nổi tiếng nhất Đài Loan là hòn đảo nhỏ Kim Môn. Bởi Kim Môn có không khí trong lành, chất lượng nước tốt, đất giàu dinh dưỡng, và điều kiện thời tiết có gió, nên sản lượng đậu phộng ở đây cao hơn nhiều so với những vùng khác. Đậu phộng được nấu trong đường mạch nha, được để nguội và đông cứng. Sau đó, được cắt thành nhiều thanh nhỏ, được bọc, và đóng gói trong hộp quà tặng hoặc túi nhựa.

 

Rượu Thiệu Hưng và Cao Lương   

Nước tại Cao Nguyên Ailan nằm ở phía tây Thị Trấn Phố Lý, Quận Nam Đầu rất tinh khiết và ngọt. Vì những đặc điểm rất độc đáo của nước, nơi đây được coi là "con suối làm rượu Thiệu Hưng" chính. Được làm từ gạo nếp lên men, gạo Bồng Lai, lúa mì, và các thành phần khác, rượu Thiệu Hưng vàng có một hương vị nhẹ và rất ngọt ngào.

Kim Môn với thời tiết khô nóng và môi trường không bị ô nhiễm, là nơi tốt nhất để chế tạo rượu Cao Lương. Nhờ chất lượng nước tuyệt vời, rượu Cao Lương được sản xuất ở đây có chất lượng vượt trội và hương vị rất thơm ngon. 

Tại Mã Tổ, với sự độc đáo của nước suối địa phương, rượu như Daqu, Cao Lương, và Rượu Cũ Mã Tổ là những loại phổ biến nhất. Rượu Cũ Mã Tổ có màu ngọc đỏ trong không chỉ là thức uống được yêu thích ở Mã Tổ, mà còn được sử dụng rất nhiều trong nấu nướng của người Trung Quốc.

 

Kẹo Trái Cây   

Người Đài Loan thường sát mận, quất vàng, xoài, và các loại trái cây tươi khác vào muối rồi ngâm trong đường để tạo ra những loại hương vị khác nhau. Về cơ bản, vị mặn của hoa quả ngâm là từ vị muối sát vào trái cây, vị ngọt từ đường và vị chua do quá trình lên men. Người dân Đài Loan thường gọi những loại trái cây ngâm này là “mặn, chua, và ngọt” – một cái tên rất phù hợp với hương vị độc đáo của nó.

 

Thịt Viên 

Thịt viên theo phong cách Đài Loan được cho là do một người con trai hiếu thảo muốn chế biến một món ăn dễ ăn cho những người lớn tuổi trong gia đình phát minh ra. Anh nghiền khối thịt lợn và nặn thành hình những viên bi, sau đó luộc lên để tạo thành một món ăn rất ngon miệng có kết cấu cưng cứng. Bởi thịt lợn là thành phần chính, nên món ăn này ban đầu được gọi là "rouyuan" (thịt viên), nhưng sau đó được biết đến nhiều hơn với tên gọi là "gongwan," một cái tên ám chỉ đến chiếc chày (cồng) được sử dụng trong quá trình chế biến. Tân Trúc là nguồn gốc của thịt viên và vẫn nổi tiếng với món này cho đến ngày hôm nay.

 

Lôi Trà (Trà Nghiền) 

Lôi trà (trà nghiền) là một thức uống truyền thống của người Khách Gia có thành phần là trà được chế biến từ ngũ cốc, trái cây khô và các loại đậu. Những nguyên liệu này được nghiền nhỏ, sấy khô thành một hỗn hợp bột không chứa dầu và dùng với nước nóng, tạo thành một món ăn tiện lợi và có lợi cho sức khỏe. Lôi trà là một phần trong chế độ ăn của cộng đồng Khách Gia ngày nay và thường được dùng trong bữa tối cùng bỏng gạo và các món xào phụ. Đối với hầu hết mọi người, lôi trà thường được ăn như một đồ giải khát trong bữa tiệc. Lôi trà phong cách đích thực có thể được thưởng thức tại Thị Trấn Bắc Phố thuộc Quận Tân Trúc, Thị Trấn  Nam Trang Quận Miêu Lý, và Quận Mỹ Nùng ở Thành Phố Cao Hùng.

 

Bánh Mặt Trời 


Trong thời kỳ đầu Cộng Hòa, một thợ làm bánh tại Đài Trung Wei Ching-hai đã cải tiến một chiếc bánh mạch nha truyền thống thành chiếc bánh mặt trời nổi tiếng ngày nay. Bánh mặt trời với một lớp nhân đường mạch nha bên trong thu mình trong một lớp vỏ bánh vàng hình tròn dẹt bên ngoài có kích cỡ khoảng bằng lòng bàn tay để ăn dễ dàng hơn. Cái tên bánh mặt trời xuất phát từ hình dạng giống mặt trời của nó. Bánh mặt trời còn có một tên gọi khác là "xibing" (bánh thơm) do kết cấu tinh tế của nó và do bánh được dùng phổ biến như là một món tráng miệng. Bánh còn được gọi là "paobing" (bánh nhúng) do bánh thường được nhúng vào sữa đậu nành nóng để tỏa hương mạch nha và làm mềm bánh để những người già và trẻ nhỏ dễ ăn hơn. Đài Trung là cái nôi của bánh mặt trời và là nhà của nhiều tiệm bánh cũ chuyên làm món này. Bánh mặt trời là một món quà lưu niệm phổ biến mà các du khách thường mua khi đến miền trung Đài Loan.

 

Bánh Quy Vuông 

Đường Dân Quốc thuộc Gia Nghĩa nổi tiếng với các cửa hàng mỳ và màn thầu (bánh hấp), nhưng có lẽ nổi tiếng hơn cả là quê hương của bánh quy vuông. Bánh quy vuông được làm từ sữa bột, bơ hoặc mỡ lợn, vừng và đường. Hỗn hợp được nướng lên tạo thành những chiếc bánh quy thơm giòn và sau đó được cắt thành hình vuông như tên gọi của nó.

 

Cà Phê  

Cà phê đã được trồng ở Đài Loan kể từ thời kỳ thuộc địa Nhật Bản. Ngành công nghiệp này sau đó bị suy giảm do chi phí xuất khẩu cao và cạnh tranh từ Trung và Nam Mỹ, nhưng trong những năm gần đây cà phê lại được hồi sinh tại Đài Loan.

Một trong những khu vực trồng cà phê nổi tiếng nhất ở Đài Loan là Thị Trấn Cổ Khanh ở Quận Vân Lâm. Cà phê Cổ Khanh được trồng ở Núi Hebao, Hoa Sơn, Hoa Nam, Quế Lâm và Zhanghu ở các độ cao khác nhau từ 200 đến 800 mét so với mực nước biển. Ánh nắng mặt trời dồi dào, mưa nhiều, hệ thống thoát nước tốt cũng như đất giàu kali cacbonat là những điều kiện lý tưởng để trồng cà phê, khiến cà phê Cổ Khanh trở thành một trong những sản phẩm trong nước nổi tiếng của Đài Loan. Công nghiệp cà phê của Quận Đông Sơn Thành Phố Đài Nam cũng phát triển mạnh mẽ với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương. Khu vực trồng cà phê chính nơi đây là Núi Kantou thuộc Làng Nanshi và Làng Cao Viên. Lễ hội cà phê địa phương cũng khiến những hạt cà phê nơi đây được nhiều người biết đến hơn.

 

Quất Ngâm  

Quât ngâm là một món đặc sản nổi tiếng của Đài Loan. Quả quất dùng để ngâm có nguồn gốc từ Quận Oujiang thuộc Tỉnh Chiết Giang và tại Đài Loan thì được trồng nhiều nhất ở khu vực Nghi Lan. Tiểu Khê, Viên Sơn và Tam Tinh cũng là ba thị trấn trồng nhiều quất, bởi có nhiều mưa, hệ thống thoát nước tốt và không bị tác động bởi gió biển và bão biển, nên sản lượng địa phương cao tới 90%. Quất được thu hoạch trong khoảng thời gian từ tháng 11 tới tháng 2, và sản lượng nhiều nhất vào tháng 12 và tháng 1. Vỏ quất có hương vị thơm cùng với vị ngọt rất tự nhiên, có tác dụng kích thích tuyến nước bọt, tốt cho tiêu hóa, và làm thanh cổ họng, nên quất ngâm trở thành một thức uống giải khát và đồ ăn vặt rất phổ biến.

 

Trứng Cá Đối

Tại Đài Loan, lịch sử chế biến trứng cá đối đã có hơn một trăm năm nay. Đầu tiên phải chọn được cá đối cái và lấy trứng ra. Trứng sau đó được rửa sạch, để ráo máu, ướp muối, khử muối, ép, sấy khô và sau đó được tạo hình trong một quá trình kéo dài khoảng một tuần. Chất lượng trứng cá đối được đánh giá qua hình thức bên ngoài và hương vị của nó. Trứng cá muối chất lượng cao phải có màu sắc hấp dẫn, có độ dày và độ trong mờ đồng đều; hương vị và kết cấu phải có sự cân bằng về độ mặn, độ ẩm và độ cứng. Người Đài Loan thông thường nướng trứng cá đối và thêm gia vị bằng rượu cao lương. Trứng cá đối được bán ở hầu khắp các cửa hàng tạp hóa và các cửa hiệu chuyên dụng. Đặc biệt món trứng cá đối được coi như một món quà tặng vào dịp Tết Nguyên Đán và các lễ hội khác.

 

Chân Giò Lợn  

Người miền bắc Đài Loan thường hầm chân giò lợn trong nước canh nhạt, trong khi người miền nam lại om trong tương. Biến thể món chân giò lợn nổi tiếng nhất là chân giò lợn hầm tương của Thị Trấn Vạn Loan, Quận Bình Đông. Chân giò lợn Vạn Loan được om trong tương sử dụng những kỹ thuật và thành phần rất đặc biệt để mang lại hương vị thơm ngon cho món ăn. Tất cả chân giò lợn sử dụng được chọn từ chân trước của con lợn và sau đó phải được hầm thật kỹ. Thịt phải mềm, có nhiều nước và có thể dùng nóng hoặc nguội. Tại Đài Loan, mọi người tin rằng ăn chân giò lợn với mỳ có thể xua đuổi vận đen và biến nỗi buồn thành niềm vui. Mặc dù khoa học chưa xác minh điều này, nhưng dù sao đó vẫn là một đức tin rất thú vị.

 

Bánh Đường Nâu  

Bánh đường nâu được phát triển từ một loại bánh xốp hấp thường dùng để dâng lên lễ tổ tiên. Người ta cho rằng đường nâu là do những người di cư đầu tiên từ Đảo Okinawa, một hòn đảo nổi tiếng với đường nâu, mang tới Bành Hồ. Bánh đường nâu nổi tiếng ở Bành Hồ ngày nay đầu tiên được làm ra bởi một thợ làm bánh thuộc Vương Quốc  Lưu Cầu có họ là Maruhachi.

Ban đầu bánh đường nâu chỉ được dùng để tế lễ tổ tiên, nhưng hiện nay nhiều thợ làm bánh địa phương đã làm món bánh đường nâu để đáp ứng nhu cầu gia tăng của khách du lịch. Được chế biến bằng những phương pháp kỹ thuật mới, món bánh đường nâu ngày nay mềm hơn, ít đường hơn và được đóng gói đẹp hơn bánh đường nâu ngày xưa, nên được rất nhiều du khách tới Bành Hồ mua về làm quà kỷ niệm.

 

Bánh Quy Lưỡi Bò  

Loại bánh quy phổ biến này được đặt tên theo hình dáng giống như chiếc lưỡi dài bầu dục.  Tại Đài Loan, Nghi Lan và Lộc Cảng là hai vùng nổi tiếng nhất với món bánh quy lưỡi bò. Bánh của hai vùng này mặc dù giống nhau về hình dáng, nhưng thực tế lại là hai món bánh rất riêng phản ánh môi trường khác nhau sản sinh ra chúng. 

Bánh quy lưỡi bò Nghi Lan dài, thon và mỏng. Các thành phần được nhào bằng tay thành bột nhào, cán phẳng, khía ở giữa bằng dao và sau đó được nướng thành một chiếc bánh có kết cấu như bánh quy giòn. Bánh quy lưỡi bò Lộc Cảng mặt khác lại dày và có hình bầu dục. Bánh có dạng vảy và được thêm một chút đường nha để cho vị ngọt nhẹ, có thể được nướng hoặc chiên.

 

Bánh Mỳ Kế Quang 

Theo truyền thuyết kể lại, loại bánh hình vòng này được Tướng Thích Kế Quang sống vào triều đại Nhà Minh nghĩ ra, đây là một món ăn rất thuận lợi cho việc di chuyển trong quân đội, bởi bánh có thể được nối với nhau và quàng quanh cổ. Bánh được làm từ loại bột nhào được lên men tự nhiên, bột này sau đó được nhào kỹ để tạo ra một chiếc bánh mì đặc và dai.  Bột nhào được nướng lên bằng cách dính vào thành lò. Nếu thành lò không đủ nóng, bánh mì sẽ bị bong ra và hỏng. Bánh mì kế quang của Mã Tổ vẫn trung thành với phong cách của miền bắc Trung Quốc. Loại bánh mì này ban đầu được chiên nhiều mỡ, nhưng ngày nay chủ yếu được nướng trong lò để tốt hơn cho sức khỏe. Loại bánh mì này thường được ăn kèm với giăm bông và trứng chiên như bánh hamburger và do vậy thường được gọi là “hamburger Mã Tổ."